Tổng số lượt xem trang

Top 5 đặc sản Cao Bằng ngon 'hết nấc', nên mua làm quà biếu khách

Đặc sản Cao Bằng luôn có hương vị đặc trưng rất riêng của vùng đất Đông Bắc. Thưởng thức một lần, du khách sẽ muốn ăn lại lần nữa và mua về làm quà biếu tặng người thân, bạn bè.

Cao Bằng là tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc có đường biên giới kéo dài hơn 300km và giáp Trung Quốc. Dù địa thế hiểm trở nhưng nơi đây được trời phú cho cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có cả núi non, hệ thống hang động và hồ nước,... 

Đặc biệt, ẩm thực cũng là điểm cộng giúp thực khách thêm yêu mến và thích thú khi ghé thăm vùng đất này. Trong đó, không thể không kể đến các đặc sản nổi tiếng như vịt quay, phở thịt quay, khâu nhục, bánh cuốn, hạt dẻ,…

Vịt quay 7 vị

Nhắc tới những đặc sản của Cao Bằng, không thể không kể đến vịt quay 7 vị. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi ăn này được người dân địa phương sử dụng tới 7 loại gia vị trong quá trình tẩm ướp gồm gừng, tỏi, hành khô, hạt tiêu, mật ong, đậu hũ, quả mắc mật khô.

Món vịt quay 7 vị của người Cao Bằng có lớp da giòn, màu đẹp mắt (Ảnh: Phuong Phuong, Minh Tuyết).

Để làm món vịt quay 7 vị, người ta chọn những con vịt chắc thịt, sáng lông, chỉ ăn cám, ăn ngô và thả đồng, cân nặng chừng 2-3kg. Nhờ quá trình tẩm ướp kỳ công mà vịt sau khi nướng có lớp da vàng bóng, dậy mùi thơm đặc trưng của các loại gia vị.

Nước dùng trong bụng vịt được đổ riêng ra bát, tận dụng làm nước chấm hoặc rưới lên đĩa thịt nướng. Thịt vịt mềm, có vị ngọt của mật ong rừng hòa cùng vị cay cay, thơm nồng của các loại gia vị.

Bánh áp chao 

Bánh áp chao (hay còn gọi bánh vịt chao) có vẻ ngoài giống bánh rán nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt thái miếng. Cũng bởi nguyên liệu độc đáo này mà bánh áp chao Cao Bằng có hương vị đặc trưng riêng, khác hẳn so với các món bánh rán nhân mặn làm từ thịt lợn xay và mộc nhĩ, miến.

Các thành phần nguyên liệu làm nên món bánh áp chao khá đơn giản, dễ tìm nhưng phải trải qua quá trình chọn lọc kỹ càng. Vỏ bánh được làm từ bột gạo nếp, bột gạo tẻ và đỗ tương. Gạo phải chọn loại mới thu hoạch, hạt mẩy, ngâm nước sạch khoảng 8 tiếng. Đỗ tương cũng được chọn từ đỗ Quảng Uyên lòng vàng.

Món bánh có lớp vỏ ngoài giòn trong mềm khá giống bánh rán mặn nhưng dậy vị thơm ngon đậm đà của thịt vịt. Những chiếc bánh nóng hổi chấm với nước mắm chua ngọt, ăn kèm rau xanh thanh mát và đu đủ bào sợi giòn giòn giúp thực khách ăn nhiều cũng không cảm giác ngấy (Ảnh: Thảo Mầu).

Bánh trứng kiến

Bánh trứng kiến là món ăn nổi tiếng ở Cao Bằng nhưng không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức bởi món bánh này mỗi năm chỉ có một lần, vào khoảng đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 5 dương lịch.

Bánh trứng kiến có vị béo ngậy của nhân lạc, thịt cùng vị ngọt bùi của trứng kiến đen, vị thanh thanh của lá vả. Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận được miếng trứng kiến nổ “tanh tách” trong miệng, vừa thú vị vừa hấp dẫn (Ảnh: Bùi Thúy Hằng).

Bánh trứng kiến có tên gọi khác là Pẻng Rày. Nguyên liệu chính của bánh là trứng non của loài kiến đen, bột gạo nếp và lá cây vả. Để lấy được trứng kiến, người ta phải vào rừng sâu, tìm những tổ kiến lành (loại kiến đen thân nhỏ, đuôi nhọn) làm trên cành xoan, quế hoặc găng…

Xôi trám

Với người dân Cao Bằng, xôi trám là món ăn dân dã, truyền thống đã gắn bó với bao thế hệ. Khi sang thu, bà con nơi đây lại vào rừng hái quả trám về làm xôi. 

Nguyên liệu chính của món ăn này gồm gạo nếp và quả trám đen (trám nếp và trám tẻ). Người dân bản địa hay chọn trám nếp để đồ xôi vì loại quả có vị ngọt, bùi, thịt mềm chứ không cứng và giòn như trám tẻ.  

Xôi trám ăn kèm hành phi thơm và lạp xưởng gác bếp (Ảnh: Thanh Hương).

Ngoài ra, trám nấu xôi phải lựa quả chín mọng, không bị sâu, trước khi nấu phải ngâm với nước ấm một lúc cho mềm.  

Sau khi ngâm xong, người ta lấy phần thịt, bỏ hột rồi trộn với xôi đã đồ thật nhuyễn. Xôi trám ăn bổ, béo, vị lạ miệng và có màu đặc trưng, ngon nhất khi ăn kèm với vừng đen hoặc lạp xưởng Cao Bằng.

Phở chua

Bên cạnh vịt quay 7 vị, bánh trứng kiến, xôi trám, bánh áp chao,... phở chua là món đặc sản du khách khó có thể bỏ qua khi tới Cao Bằng. Phần bánh phở mềm, dai, dẻo hòa quyện với nước sốt chua chua, ngọt ngọt, ăn kèm thịt ba chỉ quay giòn rụm, thịt vịt quay đậm đà, gan tẩm mật chiên vàng, dưa chuột nạo, khoai tàu cắt sợi chiên giòn, lạc rang và rau thơm các loại.

Đây là món ăn đặc trưng tại Cao Bằng, được chế biến vô cùng kì công. Bí quyết của bát phở chua nằm ở phần nước sốt. Có một số quán nổi tiếng và lâu năm tại Cao Bằng, chủ quán sử dụng tới ba loại nước sốt để tạo nên một bát phở chua. 

Phần nước sốt này gồm nhiều gia vị khác nhau nhưng đặc trưng nhất là dấm đường ủ từ chuối tiêu, đường phên (loại đường làm thủ công từ mật mía, không chất bảo quản, mang vị ngọt đậm đà và màu nâu đẹp mắt), bột báng, nước trong bụng con vịt quay gia giảm thêm tỏi, ớt, gừng... (Ảnh: Phạm Hải).

Ngoài các món ăn kể trên, du khách có thể tìm mua ở Cao Bằng một số đặc sản khác để về làm quà cho bạn bè, người thân như thạch đen, miến dong đen, rau bò khai (rau dạ hiến), hạt dẻ Trùng Khánh, bánh khảo,…

0 Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài viết Quảng cáo hàng đầu

Điều 1 về Quảng cáo Trung tâm

Bài báo quảng cáo giữa 2

Quảng cáo dưới cùng của Bài viết